Việc thu được 38.000 tỷ đồng nợ đọng thuế có thể giúp Bộ Tài chính phần nào cân đối được thu chi, không phải trông chờ vào số tiền bán vốn tại doanh nghiệp Nhà nước.
Tình hình thu ngân sách đã có bước tiến đáng kể vào tháng cuối năm, theo báo cáo được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 29/12.
Đến cuối tháng 12, thu ngân sách đã vượt con số 970.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm ngoái và vượt hơn 60.000 tỷ so với dự toán đầu năm. Có được kết quả này là nhờ 55 địa phương hoàn thành dự toán, trong đó 36 địa phươngvượt trên 10%. Chỉ có 8 tỉnh hụt thu nhưng con số không đáng kể.
Ngân sách cũng đã được bổ sung đáng kể với khoản 38.000 tỷ đồng từ tiền thu nợ thuế khó đòi. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra chống buôn lậu được tăng cường cũng đem về cho ngân sách khoảng 38.600 tỷ đồng từ xử phạt hành chính.
“Nhờ vậy, dù ngân sách trung ương vẫn còn khó khăn nhưng có thể không cần đến khoản 10.000 tỷ đồng từ tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mà chúng tôi từng đề xuất ra Quốc hội để bù hụt thu”, Bộ trưởng nói.
Trước kết quả trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các cố gắng của ngành tài chính để giải quyết khó khăn cho ngân sách. “Nếu không phải bù hụt thu thì tiền này có thể dùng cho giảm nghèo, vì cần khoảng 15.000 tỷ nhưng mới cân đối được chưa tới một nửa”, Thủ tướng cho hay.
Về các lĩnh vực khác của ngành tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết doanh thu thị trường bảo hiểm đạt hơn 81.600 đồng, tăng gần 25% so với năm ngoái. Trong khi đó, thị trường chứng khoán dù có nhiều yếu tố tác động nhưng “vẫn tương đối ổn định, có mức tăng khá so với các nước trong khu vực”. Theo đó, vốn hoá của các doanh nghiệp tăng 15% so với cuối năm 2014, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng lên cao nhất từ trước đến nay, đạt trên 15 tỷ USD.