Làm sao nâng cao khả năng tự bảo vệ của hàng hóa VN?

Hotline: 0903987882
icon-vi icon-en icon-cn
Tin tức
Làm sao nâng cao khả năng tự bảo vệ của hàng hóa VN?

    Sau 8 năm tham gia WTO, khá nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn còn khá mù mờ về Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) đang được tất cả các nước thành viên WTO áp dụng. Khampha.vn đã có cuộc trao đổi với bà Lê Bích Ngọc, Phó giám đốc phụ trách văn phòng TBT Việt Nam để có cái nhìn rõ hơn về hoạt động TBT cũng như một số khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực hiện Hiệp định này

    Thưa bà, chức năng, hoạt động chủ yếu của Văn phòng TBT Việt Nam là gì? Hiện tại trong cả nước có bao nhiêu điểm TBT đang hoạt động?   

    Văn phòng TBT Việt Nam là tên viết  tắt của Văn phòng Thông báo và hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Đây là tổ chức KHCN công lập trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Văn phòng vừa thực hiện chức năng phục vụ quản lý Nhà nước, vừa là đầu mối quốc gia về việc hỏi đáp và thông báo các quy định thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo yêu cầu trong Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Tổ chức thương mại thế giới WTO.

    Hiện nay, hoạt động chủ yếu của Văn phòng bao gồm: Thông báo các văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp đã, đang và sẽ áp dụng của Việt Nam đến các nước Thành viên WTO và ngược lại. Đồng thời, theo dõi, cập nhật kịp thời các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo yêu cầu của Hiệp định TBT, đề xuất hoặc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, quy trình đánh giá sự phù hợp và các văn bản khác theo yêu cầu.

    Văn phòng cũng là nơi điều phối hoạt động, hướng dẫn nghiệp vụ thông báo và hỏi đáp cho các cơ quan trong Mạng lưới TBT Việt Nam. Nghiên cứu, đề xuất biện pháp đảm bảo nguồn lực, cơ sở vật chất kỹ thuật cho Mạng lưới TBT hoạt động hiệu quả...

    Hiện tại cả nước có tổng cộng 73 điểm TBT đang hoạt động. Trong đó, có 10 điểm đặt tại các Bộ và 63 điểm đặt tại địa phương. Ngoài ra, còn có đại diện là thành viên Ban liên ngành của một số Bộ khác có nhiệm vụ tư vấn hoạt động TBT tại Việt Nam như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.

    Khi tham gia WTO và thực hiện Hiệp định TBT, mỗi nước đều thiết lập và áp dụng một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình và hàng hóa nhập khẩu. Vậy, thực tế ở Việt Nam như thế nào khi chất lượng hàng hóa của nhiều doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được tiêu chuẩn để xuất khẩu ra nước ngoài, trong khi cạnh tranh trong nước lại thua kém hàng nhập khẩu?

    Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Trước đó, vào năm 2006, để thúc đẩy tiến trình gia nhập WTO và thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã ra đời. Trong đó quy định rõ, việc xây dựng tiêu chuẩn, quy trình thủ tục đánh giá sự phù hợp phải hài hòa với tiêu chuẩn, quy định của tổ chức quốc tế có liên quan.

    Sau 8 năm chúng ta gia nhập WTO, hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đã bao gồm trên 8.600 TCVN hiện hành. Mức độ hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến đạt mức 48%, trong đó mức hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế đạt 45%.

    So với số lượng hàng hóa có trên thị trường thì số lượng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạm thời chưa đủ đáp ứng. Hệ thống các phòng thí nghiệm, thử nghiệm phục vụ kiểm định chất lượng cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, khả năng tự bảo vệ của hàng hóa Việt Nam trước sự thâm nhập của hàng hóa quốc tế còn yếu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn chưa chưa nắm rõ và chưa thực sự quan tâm đến thông tin TBT, cụ thể ở đây là các thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng dù là đối tượng chịu tác động chủ yếu của Hiệp định TBT.

    Làm sao nâng cao khả năng tự bảo vệ của hàng hóa VN? - 1

     Bà Lê Bích Ngọc, Phó giám đốc phụ trách văn phòng TBT Việt Nam (giữa)

    Nhiều ý kiến cho rằng, TBT có thể là rào cản tiềm ẩn cho thương mại quốc tế bởi có thể được nước nhập khẩu sử dụng để bảo hộ cho sản xuất trong nước, gây khó khăn cho việc thâm nhập của hàng hóa nước ngoài. Bà đánh giá thế nào về ý kiến này? 

    Trong những năm gần đây tại diễn đàn của Ủy ban TBT WTO, số lượng các quan ngại thương mại về TBT tăng lên đáng kể. Ví dụ như tổng số quan ngại thương mại nêu ra tại các phiên họp Ủy ban TBT năm 2013 là 73 quan ngại và năm 2014 là 85 quan ngại.

    Các quan ngại này thường được nêu ra khi một nước thành viên TBT nhận thấy có dấu hiệu cản trở thương mại quá mức cần thiết hoặc vi phạm các điều khoản của Hiệp định TBT mà một nước khác xây dựng và ban hành. Tuy nhiên, còn nhiều các biện pháp kỹ thuật mà các nước thành viên WTO không thông báo cho các nước khác nhưng vẫn có thể là rào cản thương mại tiềm ẩn và gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.  

    Trên thực tế, có nhiều quan ngại thương mại đối với các biện pháp kỹ thuật không được thông báo theo quy định của Hiệp định TBT. Như vậy, để có thể vượt qua các rào cản này điều quan trọng nhất là phải nắm bắt sớm được thông tin về các biện pháp kỹ thuật của các nước là thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp đang hướng tới hoặc đang giao dịch.

    Theo cam kết của Hiệp định TBT, chúng ta được quyền biết thông tin về các biện pháp kỹ thuật của các nước thành viên WTO ngay từ ở giai đoạn dự thảo văn bản và lấy ý kiến góp ý đối với văn bản đó để đảm bảo biện pháp đó khi ban hành ra không gây cản trở cho hoạt động thương mại. Đây được xem như một lợi thế đáng kể đối với mỗi nước thành viên của WTO.

    Hiện nay, chúng ta đã đàm phán xong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vậy khi TPP được kí kết và áp dụng, liệu có sự xung đột hay vướng mắc giữa hai hiệp định TPP và TBT hay không?

    Tất nhiên là không. Vì các chương TBT của các Hiệp định FTA nói chung và TPP nói riêng khi đàm phán đều dựa trên cơ sở cam kết của Hiệp định TBT. Để dễ hiểu thì Hiệp định TBT như một cái móng nhà, các Hiệp định FTA tùy vào cam kết cụ thể giữa các quốc gia mà đàm phán và quyết định xây thêm bao nhiều tầng từ cái móng đó. Nghĩa vụ cam kết của TPP có thể cao hơn WTO nhưng tuyệt đối không thể vi phạm hay xung đột các cam kết của WTO.

    ĐỐI TÁC