Đông Nam Á là điểm đầu tư số 1

Hotline: 0903987882
icon-vi icon-en icon-cn
Tin tức
Đông Nam Á là điểm đầu tư số 1
    Tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản, Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc và Maeil Business của Hàn Quốc đồng thực hiện cuộc khảo sát trong nửa đầu tháng 12.2015 đối với các lãnh đạo tại 313 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tài chính tại các nước này.
    Điểm sáng VN
    Có đến 66,3% lãnh đạo doanh nghiệp Nhật và 59,2% doanh nghiệp Hàn chọn Đông Nam Á là thị trường tiềm năng nhất. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn cho rằng đầu tư tại quê hương là hiệu quả nhất, nhưng 29% lãnh đạo doanh nghiệp tại đây cũng chọn Đông Nam Á, nên về tổng thể, cộng đồng kinh tế mới thành lập của ASEAN vẫn là điểm đầu tư sáng nhất cho doanh nghiệp trong khu vực.
    Các lựa chọn ít hấp dẫn hơn trong cuộc khảo sát là Cộng đồng kinh tế châu Âu và khu vực Bắc Mỹ. Khi chấm điểm từng nước, doanh nghiệp Nhật và Trung Quốc xếp Indonesia và Thái Lan là hai thị trường tiềm năng nhất về tiêu dùng và mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp Hàn Quốc lại chọn Việt Nam ở vị trí đầu bảng khi đánh giá Việt Nam là “địa điểm sản xuất tốt” và “thị trường tiêu dùng đặc biệt hứa hẹn”. Còn đối với các nhà đầu tư Nhật, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 3.
    Kết quả khảo sát thực sự không quá bất ngờ, bởi Hàn Quốc liên tục là quốc gia rót vốn đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào Việt Nam những năm gần đây, với mức đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong năm 2015 là 6 tỉ USD, nâng tổng số vốn của nhà đầu tư Hàn Quốc vào các dự án tại Việt Nam từ trước đến nay lên khoảng 43,3 tỉ USD, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam.
    Các dự án lớn gần đây bao gồm trung tâm sản xuất điện thoại thông minh phục vụ khách hàng toàn cầu của Tập đoàn điện tử Samsung Electronics ở Thái Nguyên và tòa nhà chọc trời 65 tầng của Lotte khai trương hồi tháng 9.2014 tại Hà Nội. Các khoản đầu tư này được xem như bước đệm giúp doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam thuận lợi hơn, so với ở Thái Lan hay các nước khác mà Nhật vốn đã chiếm ưu thế.
    Tờ Nikkei Asian Review nhận định một lý do khiến nhiều doanh nghiệp Đông Á đặt kỳ vọng vào cú hích tăng trưởng từ Đông Nam Á là sự kiện thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hồi cuối năm 2015 với mục tiêu giảm thiểu rào cản trong kinh doanh, đi lại và điều chuyển vốn giữa các nước thành viên.
    Cộng đồng kinh tế mới đã khiến nhiều công ty thực hiện các cải tổ như di dời nhà máy và các trung tâm dịch vụ hay điều chỉnh lại các chuỗi hậu cần. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng nhất tại ASEAN và 7,2% lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát tại nước này cho biết họ đã hoặc sẽ thực hiện các thay đổi nói trên để đón làn gió kinh tế mới. Có đến 34,9% lãnh đạo doanh nghiệp Nhật cho biết họ đang xem xét tổ chức lại bộ máy để hưởng lợi nhiều hơn từ AEC.
    Trung Quốc mất điểm
    Các nền kinh tế Đông Nam Á cũng nổi lên trong bối cảnh người khổng lồ phương Bắc mất dần sức hút của một thị trường lao động giá rẻ. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đã chững lại và nhiều doanh nghiệp cho biết họ bị ảnh hưởng bởi giá cả liên tục giảm do mức cung dư thừa, đặc biệt là trong ngành thép, tờ Nikkei AsianReview cho biết.
    So với một khảo sát tương tự vào cuối năm 2014, tỷ lệ lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá Trung Quốc là thị trường hứa hẹn giảm 12,7 điểm phần trăm tại Nhật và 19,9 điểm phần trăm ngay tại Trung Quốc. Tỷ lệ tại Hàn Quốc giảm 2,1 điểm phần trăm.
    Mặc dù tiêu dùng cá nhân tại Trung Quốc năm rồi vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số, gần 70% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát dự đoán mức tăng trưởng sẽ chậm lại trong những năm tới. Có khoảng 70% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát lo ngại rằng sự giảm tốc kinh tế tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động của họ. Hầu hết cho biết sẽ đối phó bằng cách nâng chất lượng sản phẩm và dịch vụ để cạnh tranh hoặc khai thác các mảng kinh doanh mới.
    Các doanh nghiệp Nhật tại Trung Quốc đã phải chuyển hướng sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn để không bị hàng Trung Quốc cạnh tranh, tờ NikkeiAsian Review dẫn lời tiến sĩ kinh tế người Trung Quốc Kim Kiến Dân, thuộc Viện Nghiên cứu Fujitsu (Nhật), cho biết. Gần 27% lãnh đạo doanh nghiệp Nhật cũng thổ lộ họ có thể sẽ bỏ Trung Quốc sang các thị trường mới nổi như Nga, Brazil hay Đông Nam Á.
    ĐỐI TÁC